Nhà vườn ở miền Tây dè dặt trồng hoa Tết

0
331
Nhà vườn ở miền Tây dè dặt trồng hoa Tết
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Còn khoảng 4 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, nên nhiều địa phương ở ĐBSCL bà con đang tập trung chăm sóc vườn cây ăn trái, các loại hoa phục vụ Tết. Tuy nhiên, với dự báo thị trường hoa Tết 2024 sẽ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn, các nhà vườn miền Tây đang xuống giống dè dặt. Theo đó, các vùng trồng hoa Tết chuyên canh tại nhiều địa phương khác đều giảm diện tích và hạn chế sản lượng hoa do lo ngại sức mua năm nay sẽ không như kỳ vọng.

Khảo sát kỹ trước khi xuống tiền

Khác với những năm trước, năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Phụng (47 tuổi, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã cất công lặn lội qua các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… để khảo sát vùng trồng hoa của các nhà vườn.

“Phải xem họ xuống giống nhiều hay không thì tui mới dám quyết định. Vì năm nay kinh tế khó khăn, sức mua sắm của người dân chắc chắn sẽ giảm. Nếu tỉnh nào cũng ồ ạt trồng cùng một loại hoa thì sẽ rất khó bán, thậm chí dội chợ”, bà Phụng nói.

Nhà vườn ở miền Tây dè dặt trồng hoa Tết
Tình hình kinh tế khó khăn, các nhà vườn miền Tây đang xuống giống hoa Tết dè dặt.

Sau khi thấy nhà vườn các tỉnh vẫn giữ nguyên sản lượng và diện tích trồng hoa, bà Phụng quyết định sẽ giảm từ 10.000 giỏ xuống còn 7.000 giỏ cúc mâm xôi.

Dù vậy, bà Phụng vẫn còn lo lắng thương lái không mua. Những năm trước dịch, gia đình bà Phụng thường xuống giống cúc mâm xôi với số lượng khoảng 10.000 – 15.000 giỏ. Nhưng đây là năm đầu tiên gia đình bà Phụng quyết định cắt giảm sản lượng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Vui (huyện Chợ Lách) cũng không còn trồng cúc mâm xôi và hoa đồng tiền như những năm trước mà chuyển hẳn sang trồng bông giấy, bởi theo ông, nếu bán không được cũng có thể mang về vườn dưỡng để năm sau bán tiếp.

Theo ông Vui, người dân đã xuống giống các loại hoa nở dài ngày như cúc đồng tiền, cúc mâm xôi, hoa hồng… từ hơn một tháng trước, nhưng riêng ông lại không làm theo.

Nên chọn hoa phân khúc giá vừa phải

Ông Trần Hữu Nghị – Phó trưởng Phòng NN & PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cho biết, năm nay là một năm kinh tế khó khăn, dự đoán sức mua trong dịp Tết 2024 sẽ giảm. Dù vậy, người dân ít nhiều sẽ vẫn mua hoa về chưng Tết nên nhà vườn cũng không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nhà vườn nên chọn phân khúc hoa có giá vừa phải, hợp với túi tiền người dân và hạn chế trồng cây giá cao.

Bên cạnh đó, ông Nghị cũng lưu ý người dân cần chủ động nguồn nước tưới bởi dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ gay gắt, dễ ảnh hưởng đến vùng trồng hoa của địa phương.

Ngoài sản xuất hoa nở, Bến Tre là xứ sở của rất nhiều sản phâm cây kiểng bon sai như mai vàng nguyệt quế, kim quýt, cây lá xanh… nên nếu thị trường Tết nhà vườn không bán kịp thì có thể mang về dưỡng để năm sau bán. Dự kiến nhà vườn Bến Tre sẽ tung ra thị trường khoảng 10 triệu sản phẩm hoa Tết, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Nhà vườn ở miền Tây dè dặt trồng hoa Tết
Gia đình ông Trần Văn Út Hùng, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc chuẩn bị cây cúc mâm xôi giống để bán cho nông dân trồng phục vụ dịp Tết 2024.

Bà Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng Phòng kinh tế TP Sa Đéc, cho biết, diện tích hoa kiểng hiện nay là 950ha, tăng hơn 222ha so với năm 2022; vụ hoa Tết đã xuống giống 40ha gồm cúc mâm xôi, hạnh, hoa hồng, trong đó cúc mâm xôi khoảng 266.600 chậu.

“Tổng diện tích hoa kiểng phục vụ Tết khoảng 100ha các loại. Đến giữa tháng 10 âm lịch sẽ xuống giống các loại hoa như vạn thọ, cúc các loại, thược dược, cẩm chướng. Ngoài ra, năm nay TP có giống hoa kiểng mới phục vụ Festival hoa Sa Đéc và du khách như cúc mâm xôi nhiều màu, các giống kiểng lá đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng”, bà Ngọc thông tin.

Dù nhận định thị trường hoa Tết 2024 sẽ bớt sôi động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng nhiều nhà vườn tại làng hoa Sa Đéc vẫn mạnh tay tăng sản lượng. Bởi ngoài bán cho thị trường Tết, năm nay tại Sa Đéc lần đầu tiên diễn ra Festival hoa Sa Đéc nên người dân có thêm hy vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây