Warning: count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable in /www/wwwroot/agri.vn/wp-content/plugins/agri-text-to-speech/index.php on line 147
Nhấn vào đây để khởi tạo audio
11 tháng, Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD mua hạt điều thô (nguyên liệu), trong đó, nhập từ Bờ Biển Ngà nhiều nhất, với giá trị gần một tỷ USD.
Đây là số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan. Theo đó, 11 tháng Việt Nam đã nhập khẩu gần 2,7 triệu tấn hạt điều, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng lần lượt 46,5% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 thị trường cung cấp hạt điều thô lớn nhất cho Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 57,5% tổng giá trị. Cơ cấu thị trường nhập khẩu điều năm nay có sự thay đổi. Việt Nam giảm nhập từ Campuchia và Tanzania nhưng tăng nhập từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana.
Cụ thể, lượng điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà lên tới 850.000 tấn, giá trị đạt 919,3 triệu USD, tăng gần 87% về lượng và hơn 56% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, điều nhập từ Campuchia giảm gần 14% về lượng và hơn 23% về giá trị, xuống còn 613.000 tấn, với khoảng 835 triệu USD. Dù giảm, Campuchia vẫn là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ hai cho Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam tăng nhập hạt điều thô do nguồn cung nội địa thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến. Hiện diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha. Ngoài ra, năm nay giá hạt điều nhập khẩu giảm mạnh nên doanh nghiệp tăng mua số lượng lớn.
Đại diện Vinacas cho biết, hiện lượng điều thô trên toàn cầu đủ cho chế biến trong 9 tháng tới. Nếu vụ mùa 2024 diễn ra bình thường sẽ không thiếu hụt nguyên liệu.
Việc nhập khẩu điều thô tăng trưởng nóng, nhưng theo Vinacas, giá xuất khẩu hạt điều luôn ở mức thấp nên giá trị kim ngạch không quá đột biến.
Ở chiều ngược lại, 11 tháng, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đã qua chế biến ước đạt 582.000 tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính giá xuất khẩu bình quân hạt điều chế biến của Việt Nam 11 tháng đạt mức 5.682 USD một tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm gần 64% tổng lượng và gần 70% về giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hạt điều của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.
Theo Nation Master, Bờ Biển Ngà hiện nay là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất thế giới, dẫn đầu sản lượng với gần 800.000 tấn trong năm 2022. Theo sau là Ấn Độ, Burundi và Việt Nam.
Với sản lượng điều chỉ đáp ứng khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến từ các doanh nghiệp, do đó Việt Nam vẫn phải tăng cường nhập khẩu điều từ các quốc gia khác.
Theo các chuyên gia trong ngành, với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhìn chung, để thúc đẩy ngành điều phát triển, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều để có nguồn nguyên liệu ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung điều thô từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho chế biến xuất khẩu điều của nước ta.