Giá gạo Việt xuất khẩu đứng đầu thế giới

0
232
Giá gạo Việt xuất khẩu đứng đầu thế giới
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam đang duy trì ở mức cao, ổn định trong nhiều tháng qua.

Trong phiên giao dịch 9/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 618 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; trong khi giá gạo 25% tấm dao động ổn định quanh mức 598 USD/tấn.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến giá gạo 5% tấm tăng là do hiện nay vụ lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi lúa Thu Đông chưa rộ khiến nguồn cung gạo trắng thông dụng không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu với mặt hàng này vẫn cao.

Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm loại lương thực khác thay thế.

Giá gạo Việt xuất khẩu đứng đầu thế giới
Giá gạo Việt Nam đang duy trì ở mức cao, ổn định.

Tuy nhiên gần đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mời thầu 500.000 tấn gạo nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan. Đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25/12.

Do liên tục tăng mua, Indonesia hiện đã vượt Trung Quốc, lên vị trí thứ hai về nước mua nhiều gạo Việt. 9 tháng đầu năm, nước này nhập 871.000 tấn gạo của Việt Nam, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc – nước nhập khẩu gạo top 3 của Việt Nam – cũng đang tăng mua gạo nếp, gạo ST 24, 25 trong tháng 10. Trong 9 tháng, sản lượng gạo xuất qua nước này trên 850.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, Philippines – quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất – cũng đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước.

Điều này khiến giá lúa gạo sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu sẽ khó đạt đỉnh như hồi tháng 8 vừa qua, mà chỉ dao động quanh mốc 630 – 650 USD/tấn.

Mặc dù thị trường “hạ nhiệt”, nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan khi đưa ra dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2024 sẽ tiếp tục “sáng cửa”. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đứng đầu thế giới; một số nước như: Thái Lan, Pakistan… có sự giảm nhẹ.

Giá gạo Việt xuất khẩu đứng đầu thế giới
Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì “phong độ”.

Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa, gạo hôm nay chững lại và đi ngang. Tại An Giang, giá lúa OM 18 ở mức 7.900 – 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 – 8.300 đồng/kg. Giá lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.700 – 8.000 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 – 8.100 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 – 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR504 dao động quanh mốc 12.200 – 12.253 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR504 cũng tăng 100 đồng/kg lên mức 14.250 – 14.350 đồng/kg. Với các loại gạo khác, giá không biến động.

Cụ thể, gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 19.500 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây