Loay hoay ngành tiêu Việt

0
2173
ngành tiêu Việt
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Hàng tỷ USD hồ tiêu bị mắc kẹt tại nước ngoài, thị trường XK khó khăn, giá cả ảm đạm là “bức tranh” không mấy khả quan của ngành tiêu Việt suốt nửa đầu năm. Với tình hình dịch Covia-19 thì khó khăn với mặt hàng “vàng đen” một thời của Việt Nam còn kéo dài trong thời gian tới và giá hạt tiêu khó phục hồi trong ngắn hạn.

Nội dung chính

Ngành tiêu Việt ” loay hoay” thời Covid

Covid-19 đã làm cho tình hình xuất khẩu hồ tiêu đối mặt nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ giảm, giá cả bấp bênh và hàng chục container bị mắc kẹt tại Nepal.

Tình hình xuất khẩu của ngành tiêu Việt

Nửa đầu năm nay, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu hồ tiêu đạt 168 nghìn tấn và 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường lớn của Việt Nam đều ghi nhận giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điển hình, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang Ấn Độ, thị trường xuất khẩu tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam với 5,1% thị phần, đã giảm đến 39,6% về khối lượng và giảm 47,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu sang Pakistan giảm 10,3%; Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất giảm 11,2%; Hà Lan giảm 14%…

Hồ tiêu mắc kẹt tại Nepal tốn hơn 1 triệu USD

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Giám định Cà phê và Hàng hóa XNK, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu nhiều ngành hàng giảm, trong đó có hồ tiêu. “6 tháng năm nay, XK hồ tiêu của có chiều hướng giảm, giá XK không cao. Đặc biệt, nhiều lô hàng tiêu XK của Việt Nam bị kẹt tại Nepal khi Chính phủ nước này áp lệnh tạm ngừng NK”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, 58 container hồ tiêu (trị giá khoảng 3 triệu USD) của 13 DN XK hồ tiêu Việt Nam mắc kẹt tại Nepal gần 3 tháng qua khi thị trường này đưa ra quy định cấm NK hồ tiêu thiếu nhất quán đã đẩy các DN vào cảnh “đứng ngồi không yên”. Thậm chí, nếu mất trắng lô hàng không ít DN có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản.

Sau quá trình phối hợp nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và DN, theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, hiện Bộ Công Thương và vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu hải quan Nepal cho phép 58 container hồ tiêu đang mắc kẹt được tái xuất về nước.

Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các chi cục hải quan yêu cầu cho phép các container hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất. “Hiện nay, các DN Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với đối tác NK Nepal hoàn thiện chứng từ tái xuất theo quy định”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định.

Dù cuối cùng đã có tín hiệu khả quan hy vọng không mất trắng 3 triệu USD, tuy nhiên suốt thời gian qua, việc đeo đuổi vụ việc này cũng khiến các DN hồ tiêu Việt “thiệt đơn thiệt kép”.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, chi phí lưu container, lưu bãi 58 container tại cảng gần 3 tháng khoảng hơn 1 triệu USD (chiếm hơn 30% giá trị lô hàng). Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, chất lượng hàng bị xuống cấp, hư hỏng, hao hụt khoảng 10% trị giá lô hàng tương đương với 300.000 USD. Phí dịch vụ hải quan, tàu lửa để kéo container hàng ra khoảng 1.200 USD/container, tương đương 69.600 USD… Thiệt hại vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.

Ngành tiêu Việt khó phục hồi  giá trong thời gian ngắn

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa biến động theo 2 chu kỳ, giảm trong quý 1 nhưng tăng trong quý 2 do nhu cầu thu mua hạt tiêu của các DN tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra.

Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, diện tích hồ tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn hiện đã đến thời điểm cho sản lượng cao. Sự mất cân bằng cung-cầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm giá tiêu trên thị trường thế giới.

Từ góc độ DN, ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Xanh Thu Thủy cho rằng, thị trường hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp, khó lường khi vào giữa tháng 5 và tháng 6 giá tăng đột biến.

Nhiều DN và đại lý nhận hàng ký gửi của nông dân và phá sản.  “Thời gian tới, thị trường hồ tiêu toàn cầu tiếp tục ảm đạm khi các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai; châu Âu và châu Mỹ bị hoành hành bởi dịch Covid-19. Diễn biến thị trưởng rất khó lường, do đó các DN nên cân nhắc khi thực hiện hợp đồng giao xa”, ông Thu nói.

Nhận định thời gian qua, giá tiêu có thời điểm chạm đáy ở mức 35.500 đồng/kg là sự khủng hoảng đối với ngành hồ tiêu Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Trường Lộc đánh giá: “Sự ảnh hưởng của Covid-19 đã làm nhu cầu thế giới giảm trong khi lượng tồn kho không còn nhiều, do đó giá sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép giá của châu Âu và Mỹ, giá không thể lên ngay”.

Xung quanh câu chuyện sản xuất, XK hồ tiêu, ông Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam phân tích, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới khoảng 550.000 tấn với mức tăng khoảng 2% mỗi năm. Đây là tiềm năng phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam. Khủng hoảng giá thời gian gần đây là hệ quả của việc phát triền ồ ạt, thiếu quy hoạch trong những năm trước.

Việc châu Âu gia tăng rào cản kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc và hạ mức dư lượng của một số hoạt chất về ngưỡng phát hiện là khó khăn mà ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ phải đối mặt. Năm 2021, thị trường toàn cầu không sáng sủa trước nguy cơ khủng hoảng. Do đó, truy xuất nguồn gốc sẽ là một trong những yếu tố giúp DN tăng lợi thế cạnh tranh và duy trì sự phát triển.

“Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững thì Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, canh tác theo hướng hữu cơ; kiểm soát dư lượng trong sản phẩm; chú trọng chất lượng hồ tiêu từ khâu nguyên liệu đầu vào, tạo ra sản phẩm chất lượng để thậm nhập vào các thị trường khó tính”, ông Bùi Chí Bửu phân tích hướng đi trong dài lâu.

Nguồn:https://haiquanonline.com.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây