Quảng Ninh thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững

0
3159
phát triển lâm nghiệp bền vững
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Một nghị quyết được kỳ vọng là đòn bẩy để phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh được ban hành. Vào ngày 28/11/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Nội dung chính

Tình hình hiện tại

Theo báo cáo của ngành lâm nghiệp, Quảng Ninh hiện có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Đến hết năm 2019 độ che phủ rừng trên địa bàn đạt khoảng 54,75%, hệ sinh thái rừng tương đối phong phú, đa dạng.

Tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua, đã làm cho độ che phủ rừng tăng lên, chất lượng rừng có bước cải thiện đáng kể.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Đây là cơ sở để đầu tư nghiên cứu thống kê, bảo vệ và phát huy giá trị đa dạng sinh học của tỉnh. Cơ cấu vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2015-2019 của địa phương (chiếm gần 6% so với tổng chi cho ngành Nông nghiệp) luôn cao hơn tỷ lệ vốn của trung ương (chiếm 2,47%) và vốn ODA cho ngành lâm nghiệp của tỉnh.

Những khó khăn trong ngành lâm nghiệp Quảng Ninh

Những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ cũng như phát triển rừng của tỉnh bao gồm những vấn đề sau đây:

  • Hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh chưa tạo đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp. Đặc biệt là trong lĩnh vực trồng mới, chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn gắn với chế biến sâu, phát triển cây dược liệu.
  • Sự quan tâm chưa đúng mức về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế từ các sản phẩm của rừng.
  • Tình trạng sang nhượng, cho tặng, chuyển đổi mục đích rừng, đất rừng trái phép, xâm lấn đất lâm nghiệp. Tình trạng lợi dụng các dự án trồng, bảo vệ rừng để khai thác lâm sản, khoáng sản hoặc xây dựng trái phép các công trình trên đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra.
  •  Tính đa dạng sinh học, chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng cảnh quan nhiều nơi giảm sút
  • Việc giao đất, giao rừng ở một số địa phương còn chậm.
  • Các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ, manh mún; thực hiện chính sách phát triển lâm nghiệp một số nơi còn hạn chế;…

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng của rừng còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng và thiếu sự liên thông giữa các chủ thể quản lý.

Chuyển biến đồng bộ – Phát triển lâm nghiệp bền vững

Nghị quyết số 19-NQ/TU đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững du lịch sinh thái. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phải thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; tạo các sản phẩm theo chuỗi có giá trị kinh tế cao.

Giai đoạn 2019-2025, tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản như sau:

  • Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55% vào năm 2020;
  • Bảo vệ, phục hồi hiệu quả khoảng 122.749ha rừng tự nhiên, 19.741ha rừng ngập mặn;
  • Tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp đạt từ 5,5-6%;
  • Xây dựng mức tối thiểu 1 nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín công suất 400.000m3/năm…

Mục tiêu của tỉnh vào giai đoạn 2025-2030:

  • Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55% và nâng cao chất lượng rừng;
  • Tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp đạt từ 4-5%;
  • Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thêm 15.000ha rừng trồng sản xuất;
  • Chuyển hóa 6.000ha rừng keo gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn;
  • Giảm số lượng cơ sở chế biến nhỏ xuống dưới 170 cơ sở….
phát triển lâm nghiệp bền vững
Người dân thôn Bằng Anh (xã Tân Dân, TP Hạ Long) tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: Việt Hoa

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngay trong những ngày đầu năm 2020, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động (số 60/Ctr-UBND, ngày 6/1/2020) thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU. Trong đó yêu cầu: các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện Nghị quyết trên cơ sở cụ thể hóa bằng các giải pháp khả thi, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị; xác định rõ mục tiêu, lộ trình, tiến độ thực hiện.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phải đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền và gắn với công tác vận động, giám sát của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Song song với đó, cần đổi mới phương thức phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tạo sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tích cực nghiên cứu xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của đơn vị, địa phương mình, để triển khai đạt kết quả.

Nguồn:http://baoquangninh.com.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây