Trồng nấm rơm ngoài trời như thế nào để đạt siêu lợi nhuận?

0
1311
nấm rơm
Trồng nấm rơm đem lại lợi nhuận khá cao
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Trồng nấm rơm ngoài trời đã và đang trở nên phổ biến, bởi giá trị kinh tế mà mô hình này đem lại thực sự quá sức tưởng tượng. Với giá bán khoảng 60.000 đến 90.000 đồng/kg, đôi khi lên đến 120.000 đồng/kg, nhiều bà con đã lựa chọn phát triển mô hình trồng nấm rơm để tăng thêm doanh thu hàng tháng cho gia đình. Vậy, trồng nấm rơm có khó không? Và cần phải nắm bắt những kỹ thuật gì để phát triển trồng nấm rơm ngoài trời? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.

nấm rơm
Nấm rơm, món ăn bổ dưỡng mà ai cũng yêu thích

Nội dung chính

Các yêu cầu kỹ thuật cần nắm

Nhiệt độ tương thích để trồng nấm rơm ngoài trời là từ 30 đến 32oC.

Độ ẩm của nguyên liệu từ 70 đến 75% là thích hợp.

Độ ẩm không khí khoảng chừng 80%

Độ Ph yêu cầu 7 và đảm bảo thoáng khí.

Yếu tố ánh sáng có ảnh hưởng đến màu sắc của nấm. Tùy theo ánh sáng của nơi trồng mà màu nấm đậm, nhạt khác nhau.

Thời điểm trồng nấm rơm ngoài trời phù hợp

Khi trồng nấm rơm ngoài trời, bà con lưu ý là cây nấm có chu kỳ sinh trưởng rất ngắn, từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch chỉ trong 12 đến 14 ngày.

nấm rơm
Thời điểm trồng nấm thích hợp

Các giai đoạn phát triển của nấm rơm:

  1. 7 đến 8 ngày đầu hình thành sợi nấm.
  2. Hình thành quả nấm hay giai đoạn hình trứng.
  3. Giai đoạn trưởng thành, phát triển bào tử.

Thời điểm trồng nấm rơm thuận lợi nhất tại miền bắc là từ 15/4 cho tới 15/10. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trồng nấm rơm tốt nhất vào khoảng từ tháng 6 cho tới tháng 9. Còn đối với các tỉnh miền Nam, một điều đáng mừng là có thể trồng nấm quanh năm do khí hậu quanh năm ôn hòa, không lạnh như miền Bắc.

Kỹ thuật trồng nấm rơm ngoài trời

Để áp dụng kỹ thuật trồng nấm rơm ngoài trời hiệu quả, bà con cần thực hiện theo các bước cơ bản sau đây:

Xử lý nguyên liệu

Bà con dùng nước sạch để làm ẩm rơm rạ khô, sau đó xử lý nước vôi theo tỷ lệ 1 tấn nguyên liệu cần 20 đến 30kg vôi tôi

Đổ nước vôi đã gạn vào bể ngâm rơm 15 đến 30 phút, rồi vớt rơm ra ủ đống.

Chuẩn bị sẵn bể chứa nước sạch rồi cho ngâm rơm rạ khô, sau đó vớt lên bờ tiến hành ủ đống, cứ 20 đến 30cm lớp rơm rạ tưới một lớp nước vôi.

Trải rơm ra sân và bãi sạch, phun nuớc cho đến khi rơm rạ ngấm đủ nước, trở thành màu nâu sẫm, dùng nước sôi tưới lên lượt cuối và ủ đống. Rơm rạ sau khi xử lý bằng nước vôi sẽ có màu sáng, thơm, hơi có mùi vôi nhẹ.

Ủ đống

nấm rơm
Kỹ thuật ủ đống nấm rơm

Sau khi đã làm ẩm rơm rạ và xử lý như trên, bà con để ráo nước và ủ đống 3 đến 4 ngày, sau đó đảo lần 1, tiếp tục ủ 2 đến 3 ngày rồi đảo lại và đóng mô.

Khi ủ đống, bà con cần làm giá lót phía dưới cách mặt đất 20 đến 30cm sau đó đặt nguyên liệu lên trên, giữa đống ủ để 1 đến 2 cọc tạo lỗ không khí.

Ngày đầu cần nén chặt rơm rạ, các lần đảo tiếp không cần nén. Khi đảo thấy rơm rạ mềm, màu nâu vàng, có mùi thơm, nhiều mốc trắng là tốt.

Nếu rơm rạ cứng cần kéo dài thời gian ủ và đảo thêm một lần.

Nếu thấy nguyên liệu ướt (chảy thành giọt) cần banh rộng ra sau mới ủ, hoặc cấy giống.

Còn nguyên liệu khô cần bổ sung thêm nước vào đống ủ, đảm bảo rơm khi đảo thấy hơi chảy giọt là vừa (vắt rơm rạ có nước chảy thành nhiều giọt là được).

Trong điều kiện thời tiết quá nóng, quá lạnh hay có gió mạnh, bà con cần quây nilon hoặc bao dứa xung quanh đống ủ. Nếu gặp trời mưa to mà rơm đang ủ đống ngoài trời cần che đậy phía trên. Khi đảo chú ý đảo đều nguyên liệu từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.

Đóng mô và cấy giống

Bước 1: Dùng khuôn gỗ có hình thang với mặt trong phẳng. Tỷ lệ các cạnh như sau:

Chiều dài – rộng đáy dưới: 1,2m – 0,4m

Chiều dài – rộng đáy trên 11m – 0,3m

Chiều cao 0,4m với hai đầu khuôn được gờ lại

Bước 2: Cấy giống bằng cách trải một lớp rơm rạ vào khuôn. Tiếp đến, cấy một lớp viền xung quanh cách khuôn 4 đến 5cm. Tiếp tục thực hiện cho đủ 3 lớp. Lớp trên cùng rắc giống đều bề mặt, phủ một lớp rơm dày 3cm trên cùng.

Lượng giống dùng cho một lớp rơm là 10 đến 12kg. Mỗi lớp giống cấy xong thì nhớ dùng tay ấn chặt, nhất là phần xung quanh thành khuôn, khi trồng xong nhấc khuôn gỗ ra và đặt thành hàng cách hàng 40 đến 45cm, mô cách mô 25 đến 30cm.

Trung bình một tấn rơm rạ trồng được trên dưới 70 đến 80 mô nấm rơm là vừa. Khi trồng xong, tiếp tục phủ một lớp nilon phía trên để giữ ẩm và nhiệt độ của mô nấm ở 38oC

Lưu ý: Để ý nhiệt độ nóng trên 40oC thì mở lớp nilon để giảm nhiệt độ, còn trên 30oC thì không phủ nilon.

Cách chăm sóc nấm rơm ngoài trời

nấm rơm
Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm

Sau khi cấy giống xong, bà con che phủ một lớp rơm khô lên bề mặt mô nấm giúp tránh mưa, nắng.

Lớp rơm rạ này cần tốt, xếp theo kiểu lợp mái nhà dày 5 đến 7cm, xung quanh mép ngoài khu vực trồng cũng che phủ một lớp rơm trên.

Nếu trời mưa liên tục, bà con không cần tưới nước, tuy nhiên mưa quá lớn thì hãy che phủ nilon hoặc thay lớp rơm phủ mới.

Ttrong thời gian trồng nấm rơm, khi nắng khô liên tục, bà con cần tưới thường xuyên để lớp phủ luôn ướt 1 đến 2cm, sau 3 đến 4 ngày trồng bới lớp áo, quan sát thấy mô nấm khô cần bỏ áo phủ và phun trực tiếp lên mô nấm.

Giữ nhiệt độ mô nấm rơm trong những ngày đầu khoảng 38 đến 40oC, lưu ý kiểm tra nhiệt độ hàng ngày.

Nhiệt độ cao thì nấm rơm phát triển nhanh, đầu hơi nhọn là có thể hái được, trong 1 ngày bà con có thể hái 2 đến 3 lần.

Sau khi thu hoạch đợt 1, khoảng 7 đến 8 ngày, nấm sẽ ra tiếp đợt 2, khoảng 3 đến 4 ngày sau là kết thúc đợt nuôi trồng.

Kỹ thuật trồng nấm rơm ngoài trời không khó, tuy nhiên bà con phải luôn chú tâm để ý và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp giúp nấm nhanh phát triển, dễ dàng thu hoạch. Chúc bà con thành công!

Xem thêm: Kỹ thuật trồng cây ăn quả sao cho trái ngọt lịm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây