Kỹ Thuật Nuôi Yến Lấy Tổ Từ A – Z Mà Bạn Cần Biết

0
1794
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Kinh doanh từ việc nuôi chim yến luôn là ngành hot, đem lại lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù nuôi chim yến không khó nhưng nó đòi hỏi người nuôi yến phải có kiến thức sâu rộng, hiểu rõ về đặc tính của loài, biết cách xây dựng nhà và chăm sóc chúng đúng cách. Không phải ai cũng thành công trong lĩnh vực này, thậm chí rất nhiều người còn bị thua lỗ. Do đó, bài viết này sẽ tổng hợp kỹ thuật nuôi yến lấy tổ từ A – Z giúp các bạn thành công và đạt hiệu quả cao.

Nội dung chính

Xây dựng nhà cho chim yến

Có thể nói đây là khâu quan trọng và quyết định tới sự thành công của việc nuôi chim yến. Đây là loài hoang dã, chưa được thuần dưỡng, quen sống trong các hang động tự nhiên. Do vậy, muốn dụ được chim yến, bạn cần tạo ra một môi trường sống như ngoài tự nhiên để chúng thích nghi và cảm thấy an toàn.

Xây dựng nhà yến là khâu quan trọng nhất
Xây dựng nhà yến là khâu quan trọng nhất 
  • Lựa chọn vị trí làm nhà 

Lựa chọn vị trí để xây nhà là bước đầu tiên trong giai đoạn này. Bạn cần xem xét khu vực định xây nhà có lượng chim đủ lớn hay không. Số lượng chim yến phải tầm 250 con trở lên thì việc đầu tư kỹ thuật mới mang lại kết quả cao. Và công việc đánh giá này cần những người có kinh nghiệm, và đưa ra những kết quả chính xác nhất.

Để chọn chính xác vị trí làm nhà cũng như hướng của nhà, bạn cần xem xét hướng bay chiều về của chim. Nhà của yến phải đặt ngay trên đường bay và các lỗ thu chim phải phù hợp với đường bay của chúng. Bạn nên xây dựng ở những nơi có ao, hồ, sông, đồng, … tạo điều kiện cho chúng tìm được nguồn thức ăn, nước uống.

  • Kết cấu trong xây nhà nuôi yến

Cấu trúc nhà nuôi yến phụ thuộc vào vùng khí hậu nơi xây dựng nhà. Với những vùng khí hậu khác nhau thì cấu trúc nhà khác nhau.

+ Khi nhiệt độ bên trong hơn 27 độ C: có thể xây dựng phòng suốt hoặc ngăn, diện tích lớn hơn 4x4m, chiều cao tối thiểu 3m, tối đa 4m. Độ dày tường nhà từ 20 – 25cm, mặt tường tô xi măng nhám. Mái nhà lợp ngói ốp ván hoặc bằng bê ông, góc nghiêng mái từ 30-40 độ. Hệ thống gió để kiểm soát nhiệt độ và hồ nước để kiểm soát độ ẩm.

+ Khi nhiệt độ bên trong dưới 27 độ C: kích thước phòng tối đa 4x4m, chiều cao tối thiểu 2.5m, tối đa 3m. Mái bằng tole hoặc amiang, hướng dốc. Không cần hồ nước bên trong và hệ thống thông gió.

Cấu trúc của nhà nuôi yến thông thường sẽ phụ thuộc vào vùng khí hậu và địa hình đất
Cấu trúc của nhà nuôi yến thông thường sẽ phụ thuộc vào vùng khí hậu và địa hình đất
  • Độ ẩm trong nhà nuôi yến

Độ ẩm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sống của yến. Do đó, khi thiết kế và xây dựng, độ ẩm của nhà yến đảm bảo từ 70% – 85%. Trong quá trình vận hành cần phải điều chỉnh độ ẩm trong nhà yến nằm trong biên độ này. Nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ở mức 27-29 độ C. Đây được xem là điều kiện hợp lý cho yến sinh trưởng và phát triển.

  • Kích thước phòng lượn và ánh sáng

Nhà yến thường được thiết kế chia thành nhiều phòng và không thể thiếu phòng bay lượn cho chim. Kích thước tối thiểu là 5x5m, kích thước ô thông giữa các tầng tối thiểu là 4x4m. Khoảng cách lỗ ra vào tùy thuộc vào kích thước của ngôi nhà, số lượng bầy đàn và từng giai đoạn để thiết kế sao cho phù hợp. Kích thước có thể là 20×30cm, 40×60cm hoặc 40×80cm, ….

Ánh sáng thích hợp nhất với điều kiện sống của yến là từ 0.02 đến 0.2 lux. Đối với những nhà đã hoàn thiện, có thể điều chỉnh ánh sáng bằng các vách ngăn mềm. Chúng giúp làm tối các góc phòng cho chim yến làm tổ, sinh sản và nuôi dưỡng chim con, …

  • Giàn khung tổ

Giàn khung tổ là nơi để yến làm tổ. Nếu không có giàn khung tổ, chúng sẽ làm tổ trên tường nhà, trần nhà, … khiến việc quản lý khó khăn và cho ra sản lượng thấp.

Giàn khung tổ làm từ bê tông hiện tại đang được áp dụng rộng rãi
Giàn khung tổ làm từ bê tông hiện tại đang được áp dụng rộng rãi

Giàn khung tổ đạt yêu cầu là sử dụng loại thanh khung đủ mềm cho yến dễ bám, dễ thấm hút nước và khô nhanh nước miếng của yến bao gồm cả lúc nhiệt độ thay đổi, sạch và nhẵn để yến dễ bám tổ. Thanh khung không chứa dầu, mùi và màu chói.

Độ dày thanh khung gỗ tốt nhất là 3cm, bề rộng 15cm (khu vực nhiệt độ hơn 27 độ C) và khoảng 20cm (khu vực lạnh). Nếu nhỏ hơn 2 kích thước trên yến sẽ đặt ức lên vành cổ, tổ bị dính lông.

Việc đặt giàn khung tổ có 2 cách như sau:

+ Hiện đại: người ta tự đặt giàn khung tạo thành hệ thống ma trận (khung ngang và khung dọc) với kích thước 30x100cm

+ Truyền thống: gắn thanh khung sát vào trần nhà bằng bulong hoặc định vít thẳng góc với trần nhà (yến không thích khe hở và lung lay).

Chim yến ăn gì?

Chim yến khá khó tính. Chúng không ăn thức ăn gia cầm cũng không ăn thức ăn mà con người cho ăn. Chúng chỉ ăn 1 số loài nhất định như ong, mối, chuồn chuồn kim, cào cào, những con có kích thước rất nhỏ.

Ong kiến là thức ăn yêu thích của chim yến
Ong kiến là thức ăn yêu thích của chim yến

Thức ăn chim yến ưa thích chính là ong kiến (chiếm khoảng 50-70%), tiếp theo là mối, ruồi muỗi hay bọ rầy, bọ rùa, bọ xít nhỏ, chuồn chuồn kim, bướm đêm, cánh tơ và cào cào. Chim thường bắt thức ăn trong khi bay, với độ cao khoảng 30m và theo sự phân bố của côn trùng trên không trung. Có các loài cây đặc trưng được chim yến rất yêu quý, cũng có những nơi mà chúng rất thích đậu. Đó đều là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho loài chim này. Các cây thường thu hút nhiều côn trùng như cây táo nhơn, cây sung.

Chim yến con thường được cho ăn trứng, ấu trùng ong kiến non. Người nuôi chim yến hiện nay còn cho ăn thêm một vài loại sâu hay dế cắt nhỏ. Thời gian đầu, kéo dài khoảng 5 đến 6 tuần, chim yến con được cả hai bố mẹ mớm mồi cho.

Cách phòng bệnh cho chim yến

Bệnh thường xảy ra với chim yến khi nuôi là bị chân đỏ và sưng. Nguyên nhân được lý giải là do chúng vận động ít hoặc có thể do gen di truyền. Cũng có thể bị mạt, rệp, ve gây bệnh khiến chúng mệt mỏi và cạn kiệt dinh dưỡng. Dấu hiệu của bệnh là khi đứng chúng co 1 chân lên.

Chúng rất nhạy cảm với tác động bên ngoài. Nếu chỉ bị trầy da nhỏ thì dùng oxy già, cồn,… rửa ngay cho chim. Còn nếu bị chảy máu thì dùng thuốc cầm máu theo đúng liều lượng. Một số địch hại của chim yến như: chuột, kiến, gián, rận rệp, dơi, … Chúng sẽ làm hại tới trứng, tổ yến, gây thiệt hại nên cần lưu ý, quan sát và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh chim yến dễ gặp phải nhất là bệnh chân đỏ và sưng
Bệnh chim yến dễ gặp phải nhất là bệnh chân đỏ và sưng

Cách thu hoạch tổ yến đúng cách

Ngoài việc biết cách nuôi chim yến thì thu hoạch tổ yến đúng cách có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu không thu hoạch đúng thời điểm sẽ dẫn tới chất lượng tổ yến thấp và năng suất không cao. Thông thường chúng ta có thể thu hoạch 4 lần tổ yến trong một năm. Thời điểm thu hoạch tổ yến hợp lí là:

  • Trước khi chim yến đẻ trứng

Thu hoạch ở thời điểm này là phổ biến nhất bởi vì đây là lúc tổ yến sạch sẽ nhất, không bị nhiều bụi bẩn, không bị dính phân hay lông. Giá trị tổ yến mang lại cũng là cao nhất vì thời gian xử lý ngắn do tổ yến đã sạch sẵn rồi. Khi chim yến phát hiện ra là bị mất tổ thì sẽ lập tức xây lại tổ mới.

Bà con có thể thu hoạch tổ của chúng trước mùa đẻ trứng
Bà con có thể thu hoạch tổ của chúng trước mùa đẻ trứng

Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại một số nhược điểm đó là trọng lượng tổ yến thu được nhẹ hơn vì lượng nước dãi của chim yến là ít. Và sức khỏe của chim yến sẽ bị ảnh hưởng vì chúng phải mất sức xây lại tổ mới, đặc biệt là những con chim đang chuẩn bị đẻ mà lại không có tổ để đẻ.

  • Khi yến đẻ 2 cái trứng

Thời điểm thích hợp để thu hoạch tổ yến tiếp theo đó là khi bạn thấy trong tổ yến có 2 cái trứng rồi thì bạn tiến hành lấy tổ yến. Nên nhớ là khi nào thấy 2 cái trứng thì mới thu hoạch chứ không được thu hoạch khi trong tổ mới có 1 trứng bởi vì như thế sẽ làm ảnh hưởng và gây nhiều rắc rối cho chim yến mẹ.

Thu hoạch tại thời điểm này có lợi là tổ yến lúc này đã hoàn thành đầy đủ về cấu trúc, tổ yến dày hơn và đạt chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là số lượng chim yến trong nhà nuôi sẽ bị giảm đi do không có trứng nở đẻ ra những con chim yến non.

  • Sau khi chim yến non rời tổ

Cách thứ ba trong phương pháp thu hoạch tổ yến đó là lấy tổ yến khi chim non đã rời tổ. Với cách này thì bạn sẽ được lợi là số lượng tổ yến sẽ tăng lên nhiều lần do chim non rời tổ sẽ ở lại trong nhà và tiếp tục xây tổ mới.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là chất lượng tổ yến thu được không sạch mà có nhiều tạp chất, lông yến, …, cần phải qua nhiều khâu xử lý nên có thể giá trị dinh dưỡng có trong tổ yến sẽ bị giảm đi.

Như vậy, bài viết đã cung cấp rất đầy đủ thông tin cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi yến lấy tổ chi tiết và cụ thể nhất. Mặc dù khi nuôi chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng nếu biết được những kĩ thuật này và có sự đam mê, chắc chắn bạn sẽ thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây