Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp liên kết trồng chanh leo xuất khẩu

0
275
Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp liên kết trồng chanh leo xuất khẩu
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Một số nông dân tỉnh Sóc Trăng thu lợi nhuận cao từ mô hình trồng chanh leo ghép nhãn lồng. Sóc Trăng đang định hướng bà con nông dân phát triển quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, để tạo thuận lợi xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, địa phương mời gọi doanh nghiệp đến liên kết, tiêu thụ, mở đường xuất khẩu.

Nông dân Nguyễn Hữu Công ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là chủ nhân nhãn hiệu “Chanh leo ngọt Sáu Công” đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Công bộc bạch, năm 2017 sau nhiều lần nghiên cứu tài liệu, ông phát hiện giống chanh leo người dân miền Tây hay gọi là chanh dây cùng họ với nhãn lồng. Từ đây ông manh nha ý tưởng ghép chanh leo với gốc nhãn lồng, cho cây thụ phấn chéo, thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của một số chuyên gia nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng và Trường Đại học Cần Thơ.

Đến năm 2019, lần đầu tiên trái chanh leo được thu hoạch có vị ngọt thanh, chua nhẹ, thoảng mùi thơm của nhãn lồng. Ông Công đánh giá, so với các loại chanh leo hiện có trên thị trường như: Chanh leo tím, chanh leo bông, chanh leo hồng… giống chanh leo ghép nhãn lồng trái không to, nhưng nhờ vị ngọt đậm đà, nên được thị trường ưa chuộng, dù mức giá khá “chát”. Được biết, thương lái thu mua tại vườn chanh leo có giá 80.000 đồng/kg, trong khi khách lẻ mua sẽ có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp liên kết trồng chanh leo xuất khẩu
Chanh leo ngọt Sáu Công được tiêu thụ với mức giá khá cao từ 80.000 – 120.000 đồng/kg.

Năm 2020, sản phẩm lần đầu tiên ra mắt người tiêu dùng tại lễ hội Óc Om Bok tỉnh Sóc Trăng. Đánh giá cao ý tưởng, sự sáng tạo của nông dân, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện hỗ trợ ông Công giữ và nhân giống cây trồng, đặc biệt là hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để được chứng nhận, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Hiện ông Công đang sở hữu hơn 1,5ha trồng chanh leo, trong đó có khoảng 6.000m2 đang cho trái. Đồng thời, nông dân này cũng liên kết với một số bà con lân cận để xây dựng vùng nguyên liệu lên đến 3 – 4ha.

Trung bình mỗi năm, ông Công cung cấp cho thị trường 4 – 6 tấn chanh leo, chủ yếu ở thị trường trong nước. Ngoài ra, lượng dây giống chanh leo ghép nhãn lồng bán ra dao động từ 6.000 – 7.000 dây, với mức giá từ 70.000 – 100.000 đồng (tùy số lượng).

Ông Công cho hay, chi phí đầu tư trồng chanh leo ngọt không cao, khoảng 80.000 triệu đồng/ha, nhưng lợi nhuận thu về lại khá cao. Nếu tính trung bình mức giá 80.000 đồng/kg chanh leo và 70.000 đồng/dây chanh leo giống, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm lợi nhuận gia đình thu về lên tới gần cả tỷ đồng.

Ngoài chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, nhãn hiệu “Chanh leo ngọt Sáu Công” được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến, nhờ cách quảng bá sản phẩm rất riêng, hiệu quả bền của nông dân này. 64 tuổi, nhưng hầu hết các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong tỉnh, khu vực ĐBSCL hay ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, ông Công cùng con trai đều mang sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu và tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. Các nền tảng mạng xã hội cũng được ông khai thác triệt để quảng bá sản phẩm.

Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp liên kết trồng chanh leo xuất khẩu
Lão nông Nguyễn Hữu Công – chủ nhân nhãn hiệu “chanh leo ngọt Sáu Công” thu về lợi nhuận cả  tỷ đồng từ mô hình trồng chanh leo ghép nhãn lồng.

Theo ông Công, hiện nay nhu cầu của thị trường đối với trái chanh leo rất cao. Đặc biệt, kể từ thời điểm Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam vào tháng 7/2022, nhiều doanh nghiệp liên hệ ông và đặt vấn đề thu mua, liên kết xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng hiện có của vườn nhà chưa đủ để cung ứng nguồn hàng lớn và ổn định cho doanh nghiệp.

Ông Trần Vĩnh Nghi – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, chanh leo chưa phải là cây trồng chủ lực của địa phương, được nông dân trồng rải rác ở một số địa phương với quy mô nhỏ. Từ thực tế hiệu quả kinh tế mà mô hình mang đến cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh đang định hướng bà con nông dân phát triển quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, để tạo thuận lợi xây dựng mã số vùng trồng.

Tỉnh mong muốn mời gọi doanh nghiệp đến liên kết, tiêu thụ sản phẩm để tạo niềm tin cho người dân phát triển sản xuất, tiến đến thị trường Trung Quốc và các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo bà con xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo ngọt chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học để đảm bảo chất lượng trái, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Đây là cơ sở quan trọng để chanh leo Sóc Trăng thuận đường xuất khẩu khi hoàn thành các điều kiện, thủ tục cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây