Nhện đỏ hại hoa hồng và cách điều trị

0
2212
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

Thường xuất hiện vào mùa Đông, Xuân ở miền Bắc, nơi có khí hậu mát, lạnh và ẩm. Chúng khó phát triển trong điều kiện khô, nóng do vậy mùa hè ở miền Bắc, Sài Gòn, Miền Tây,… gần như ít khi xuất hiện. Nếu có, thường có vào lúc thời tiết mát mẻ dài ngày, cây trồng nơi thiếu nắng, rợp bóng, mật độ cây trồng dày khiến cho ánh nắng không thể xuyên được qua lá, tạo điều kiện cho nhện đỏ sinh sôi, phát triển.

Nội dung chính

Đặc điểm hình thái của nhện đỏ

  • Nhện non: rất nhỏ màu vàng cam, nhìn bằng mắt thường sẽ cảm thấy chúng gần như những chấm đen li ti trên vật thể trong suốt.
  • Nhện trưởng thành: có chiều dài khoảng 0,2mm di chuyển chậm, thân hình tròn xoe, đỏ mọng.

Mặt lá xuất hiện các đốm trắng – dấu vết gây hại của Nhện đỏ

Ổ nhện đỏ dưới mặt lá bao gồm rất nhiều trứng, con non và con trưởng thành được Hoadepviet.com chụp lại.

Ảnh phóng to lên 3,5 lần từ ảnh ổ nhện dưới mặt lá trên hình trên cho thấy rõ nhện đỏ trưởng thành, con non và cả trứng nhện.

Tập quán sinh sống và gây hại của nhện đỏ trên hoa hồng

Nhện đỏ thường cư trú ở dưới mặt lá chích hút dịch trong mô lá tạo thành những vệt chấm trắng trên mặt lá, do vậy muốn biết cây bị nhện đỏ gây hại nặng hay nhẹ, nói cách khác nhiều hay ít nhện đỏ chỉ cần nhìn lá để phán đoán. Nếu trên mặt lá xuất hiện nhiều chấm trắng li ti, các chấm trắng liên kết với nhau thành từng mảng dày đặc chứng tỏ nhện đỏ đã nhiều, nếu xuất hiện tơ nhện răng kín hoa, lá  chứng tỏ cây đang bị nhện đỏ tàn phá nặng nề.

Hoa hồng bị nhện đỏ tàn phá nặng nề

Vòng đời của nhện đỏ chỉ khoảng 15 ngày, nhưng mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng do vậy nếu không kịp thời phát hiện thì với tốc độ sinh sản cấp số nhân đó sẽ rất nhanh gây hại nặng cho cây trong vườn.

Biện pháp phòng trừ nhện đỏ

Dựa vào tập quán sinh sống thì để hạn chế nhện đỏ sinh trưởng, phát triển việc đầu tiên phải đảm bảo vườn sạch cỏ dại, cây thông thoáng, càng nhiều nắng càng tốt.

Khi phát hiện thấy nhện: Việc đầu tiên cần làm là dùng biện pháp vật lý rửa trôi nhện bằng cách dùng vòi nước xịt mạnh từ dưới gốc xịt lên để rửa trôi trứng, con nhện dưới mặt lá. Nếu ít cây bạn có thể đặt cây nằm ra sân rồi xịt nước sẽ triệt để nhất. Sau khi xịt rửa cây nhớ xịt rửa sạch sân để rửa trôi nhện xuống cống thoát nước tránh nhện bò bám lại vào cây.

Xịt nước rử trôi được phần lớn trứng, con nhện, hiệu quả đáng kể

  • Trường hợp nhện mới xuất hiện, chưa phá hại nặng:

Sử dụng biện pháp vật lý – xịt nước rửa trôi thường xuyên để kiểm soát dịch hại. Tiến hành xịt rửa liên tiếp, 1-2 ngày một lần, làm khoảng 3-4 lần liên tiếp sau khi phát hiện sự xuất hiện của nhện đỏ. Sau đó tuần thực hiện 1-2 lần để kiểm soát, phòng nhện gây hại mà không cần dùng tới thuốc.

  • Trường hợp nhện nhiều, gây hại nặng nề:

Đầu tiên làm sạch cỏ dại, thu dọn tàn dư lá rụng ở gốc, bấm hoa tỉa cành cho gọn, thoáng. Sau đó dùng biện pháp vật lý – xịt nước rửa trôi. Đợi cây khô ráo hoặc sang ngày hôm sau tiến hành các biện pháp phun thuốc diệt trừ nhện đỏ. Bởi nhện đỏ trú ngụ dưới mặt lá, do vậy khi phun thuốc cần phun toàn cây và đặc biệt ngửa vòi phun từ dưới gốc phun lên ướt đẫm mặt dưới của lá để thuốc có thể tới được trứng và con nhện.

Thuốc đặc trị nhện đỏ

Một số loại thuốc trừ nhện đỏ như sau:

Nilmite 550sc – đặc trị nhện kháng thuốc

Ortus 5sc

Pesieu 500sc

Còn rất nhiều các loại thuốc trị nhện đỏ khác trên thị trường, tuy nhiên để sử dụng hiệu quả, triệt để nhất cần biết cách kết hợp các loại thuốc và sử dụng cùng các loại phân bón lá, kích mầm để cây có thể hồi phục nhanh nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây