Cách Để Tăng Năng Suất Cà Phê Hiệu Quả

0
1264
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Năng suất cà phê là điều được bà con nông dân quan tâm nhất trong mỗi mùa vụ. Muốn tăng năng suất cà phê thì kỹ thuật trồng và chăm sóc đạt tiêu chuẩn là điều không thể bỏ qua. Nội dung bài viết này sẽ giúp bà con hiểu rõ hơn về cách tăng năng suất cà phê cho vụ mùa bội thu. Bà con đừng vội bỏ qua bài viết thú vị này nhé!

Nội dung chính

1.Chọn và chuẩn bị đất

Đầu tiên là khâu chọn đất, cà phê có thể trồng trên nhiều chân đất khác nhau (đất nâu vàng, nâu xám,…) nhưng thích hợp với cà phê nhất vẫn là đất đỏ bazan. Chọn đất giàu dinh dưỡng, tầng đất canh tác trên 70cm, thành phần cơ giới của đất trung bình tới hơi nặng, chọn những chân đất dễ thoát nước.

2.Thiết kế vườn cà phê

Khoảng cách trồng phụ thuộc vào giống, hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1m, tương đương 5000 cây/ha với cà phê chè; 3x3m (1 cây/hố tương ứng 1110 cây/ha) hoặc  2,5x3m (2 cây/hố tương ứng 2660 cây/ha) với cà phê vối.

Vườn trồng cà phê cần được thiết kế đảm bảo thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch
Vườn trồng cà phê cần được thiết kế đảm bảo thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch  

Kích thước hố trồng dài 40x rộng 40x sâu 50cm, bón 2-3 kg phân hữu cơ vi sinh, trộn phân đều với lớp đất mặt và cho xuống hố tưới nước giữ ẩm trước 20-30 ngày rồi mới trồng.

Với các vườn cà phê đất có độ dốc lớn nên thiết kế trồng theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn hay trồng theo băng.

3.Kỹ thuật trồng

Thời vụ đầu mùa mưa là thích hợp nhất, nếu cuối mùa mưa thì phải đảm bảo đủ nước tưới.

Chọn những cây giống khỏe mạnh, cây không bị sâu bệnh, nhân giống từ cây mẹ có năng suất cao, phẩm chất tốt.

Dùng cuốc, xẻng móc một lỗ có kích thước 25x20cm chính giữa hố đã chuẩn bị trước đó 1 tháng. Lấy dao, kéo rạch và bóc bầu rồi đặt cây đứng thẳng chính giữa hố, từ từ lấp đất và nén chặt.

Làm bồn sâu 10-15cm, quanh hố trồng, cẩn thận không để vỡ bầu, rồi lấy rơm ra tủ quanh gốc, các gốc 20cm.

Kỹ thuật trồng cây cà phê không có gì quá phức tạp
Kỹ thuật trồng cây cà phê không có gì quá phức tạp

4.Trồng dặm, trồng xen, cây che bóng, làm cỏ

Từ 10-20 ngày sau trồng, tiến hành kiểm tra vườn cà phê, phát hiện cây chết, cây kém phát triển thì tiến hành trồng dặm, nhổ bỏ cây chết trồng dặm vào đố, kỹ thuật như lúc trồng mới.

Trong suốt quá trình sinh trưởng, cần làm cỏ quanh gốc cà phê, bán kính cách gốc tối thiểu 50cm, tránh sự cạnh tranh về dinh dưỡng. Có thể dùng rơm rạ tủ gốc để hạn chế cỏ dại và trồng lạc dại hay các cây họ đậu trong vườn, để duy trì thảm thực vật vừa hạn chế xói mòn và rửa trôi vừa có tác dụng cải tạo đất.

Trong thời gian kiến thiết có thể trồng xen để tăng thu nhập và hạn chế cỏ dại. Có thể trồng một số cây như cây họ đậu, cây rau màu, hoặc hồ tiêu, keo dậu vừa có tác dụng che bóng.

Xung quanh vườn cà phê cần trồng đai rừng chắn gió, đai rừng trồng vuông góc hoặc chếch 1 góc 60-65 độ so với hướng gió. Cây đai rừng có thể trồng các loại cây ăn quả (vải, xoài, mít,…) hay trồng muồng đen.

Xung quanh vườn cà phê bà con có thể trồng thêm hệ thống cây chắn gió
Xung quanh vườn cà phê bà con có thể trồng thêm hệ thống cây chắn gió

5.Kỹ thuật bón phân

Cà phê sạch (cà phê hữu cơ – Organic coffee) hiện nay được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều hộ trồng cà phê đã nhận thức được điều đó, đã chuyển hướng từ kỹ thuật trồng cà phê truyền thống sang hướng canh tác cà phê hữu cơ bền vững. Trong nền nông nghiệp hữu cơ thì phân hữu cơ có vai trò rất quan trọng, góp phân tạo ra những hạt cà phê sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

a.Thời gian kiến thiết (từ khi trồng mới đến năm thứ 3)

Bón 3 đợt/ năm, từ 3-6kg phân hữu cơ, lần 1 từ tháng 3-5; lần 2 từ tháng 7-8; lần 3 từ tháng 10-11.

b.Giai đoạn kinh doanh (từ năm thứ 4 trở đi)

Lần đầu trước khi ra hoa (sau xiết nước) bón 2-3 kg phân hữu cơ chuyên dùng cây cà phê. Có thể chia ra 2 lần để bón mỗi lần cách nhau 15-20 ngày, giúp cây cà phê phân hóa mầm hóa, cây ra hoa đồng loạt.

Lần 2 bón sau khi cà phê đậu trái (bón nuôi trái), bón 1-2 kg phân hữu cơ chuyên dùng cho cà phê, nhằm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây cà phê nuôi trái giúp trái cà phê to đẹp, chắc nhân, nặng ký.

Lần 3 bón vào cuối mùa mưa, bón 1 kg phân hữu cơ chuyên dùng, giúp cây nuôi trái, tích lũy đủ lượng chất khô cần thiết và tạo một lượng cành dữ trữ cho vụ tới, đảm bảo năng suất của vụ tới, không còn hiện tượng năm được mùa năm mất mùa.

Giai đoạn phát triển của cây quyết định đến lượng phân bón
Giai đoạn phát triển của cây quyết định đến lượng phân bón

6.Tưới nước

Thời gian kiến thiết, vào mùa khô tưới 3-4 đợt để đảm bảo cây không thiếu nước, khi cây có dấu hiệu phát triển chậm thì bón thêm phân, lượng nước tùy thuộc vào tuổi cây cà phê.

Giai đoạn kinh doanh, tưới trước khi ra hoa, đợt 1 tưới đẫm nước, 20-25 ngày sau tưới lại đợt 2 để kích thích cây ra hoa đồng loạt, đảm bảo đủ nước cho cây cà phê đến khi thu hoạch, mưa mưa chú ý thoát nước chống úng cho vườn cà phê.

7.Tạo hình tỉa tán

  • Tạo hình cơ bản

Là mỗi hố chỉ để 1 thân chính gọi là tạo hình đơn thân. Để tránh cà phê mộc nhiều thân cần thường xuyên cắt tỉa các chồi vượt mọc từ gốc và từ nách lá trên thân chính. Cây phát triển tới độ cao 70-80m thì tiến hành hãm ngọn lần 1, cắt để chiều cao còn 50-55cm, tập trung dinh dưỡng phát triển các cành cơ bản giúp cà phê có bộ khung vững chắc.

Sau khi hãm ngọn lần 1, những cành cơ bản là cành mang quả không được cắt bỏ, nuôi thêm 1 chồi phát triển cao lên đến 1,3m thì hãm ngọn đợt 2, cắt còn 1,2m và tiếp tục chăm sóc và nuôi thêm một chồi lên 1,9-2m thì tiến hành hãm ngọn còn 1,7-1,8m.

Ngoài tạo hình đơn thân thì còn có tạo hình đa thân, để cây phát triển tự do, thu hoạch chủ yếu là từ cành cấp 1. Nhưng tạo hình đơn thân được ít sử dụng do khó khăn trong khâu thu hoạch.

  • Tạo hình cho cà phê nuôi quả

Là loại bỏ chồi vượt mộc từ gốc, trên thân chính. Cắt bỏ các cành cơ bản sát mặt đất cho thông thoáng và thuận lợi khi chăm sóc, thu hái. Cắt bỏ cành thứ cấp mọc sát thân chính, cành nhỏ, cành sinh trưởng kém, cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành khô chết để ánh sáng chiếu được vào trong tán cây và để tập trung dinh dướng nuôi các cành khác.

Bà con chú ý tỉa và tạo hình để cây cà phê có môi trường phát triển tốt nhất
Bà con chú ý tỉa và tạo hình để cây cà phê có môi trường phát triển tốt nhất
  • Cưa đốn để phục hồi

Đối với những vườn cà phê già cỗi, cho quả nhiều năm năng suất giảm không cho hiệu quả thì tiến hành cưa đốn phục hồi. Thời vụ đốn vào tháng 2-3 hàng năm. Cưa thân cách mặt đất 25-30cm, vát một gốc 450 mặt cắt phải nhẵn không bị dập nát. Chồi mọc lên cao 15-20cm thì cắt bỏ hết chỉ giữ 4 chồi to khỏe phân bố đều trên thân, khi chồi cao 30-55cm giữ lại 2 chồi để tạo thân chính cho cây.

Agri.vn mong rằng qua bài viết này, bà con nông dân sẽ hiểu rõ hơn cách thức để tăng năng suất cà phê. Bà con đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin khác về nông nghiệp nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây